Nằm tại bang Manipur, vườn quốc gia Keibul Lamjao là khu bảo tồn thiên nhiên nổi trên mặt nước duy nhất của thế giới, nơi sở hữu hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú.
Đây là vườn quốc gia đa dạng sinh học, nằm trải dài trên vùng đất rộng hơn 15 dặm. Bên cạnh đó là hồ Loktak - hồ nước ngọt lớn nhất thuộc miền bắc Ấn Độ.
Tới vườn quốc gia nổi, du khách sẽ chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục với những mảng đất trũng và vòng sinh khối nổi trên bề mặt nước, còn được gọi là “phumdi”.
Những thảm thực vật nổi hay “phumdi” phát triển mạnh tại khu vực này. Chúng vốn là phần quan trọng nhất và duy nhất của môi trường sống.
Đây là khối nổi của thảm thực vật, hình thành bởi sự tích tụ của mảnh vụn hữu cơ cùng sinh khối với đất, độ dày thay đổi từ vài cm tới hai mét. Các chất mùn của “phumdi” màu đen và rất xốp, tạo nên “mái nhà chung” cho cả con người và động vật nơi này.
Nai cà tông Sangai là loài linh vật của bang Manipur. Đây là loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn lại số ít cá thể đang sinh sống tại vườn quốc gia nổi này.
Vào những năm 1950, chúng từng đứng ở bờ vực tuyệt chủng khi chỉ tìm thấy 6 cá thể trong tự nhiên. Nhờ những nỗ lực của chính phủ Ấn Độ, đến nay, quần thể loài đã tăng lên hơn 200 con. Nai cà rông Sangai được xem như linh hồn kết nối giữa thiên nhiên và con người.
Hiện nay, dù chưa được thế giới biết nhiều, nhưng vườn quốc gia nổi Keibul Lamjao thực sự là “viên ngọc quý” còn nhiều tiềm năng bí ẩn của Ấn Độ.
Quốc Việt
Theo Greatbigstory
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn