Ba mươi hai tuổi Phương mới gặp Khôi - chồng cô bây giờ. Sau 6 tháng hẹn hò cà phê và tìm hiểu nhau, Phương thấy Khôi cơ bản là ổn, chỉ có điều đôi khi hay hờn mát và dỗi vặt theo kiểu trẻ con. Tuy nhiên lúc đó yêu nên Phương cũng không lấy làm khó chịu mà coi đó là điểm dễ thương.
Đám cưới của Phương diễn ra tưng bừng phần vì cả hai đều đã đến tuổi lập gia đình từ lâu, nay thành đôi phải lứa với nhau cả gia đình hai bên đều thấy vui vẻ, mừng rỡ. Khôi hơn Phương 2 tuổi, tốt tính, yêu vợ, Phương ngỡ là mình muộn gia đình nhưng may mắn.
Sau ngày cưới, kinh tế còn non tay nên vợ chồng Phương ở với bố mẹ chồng. Mẹ chồng Phương hiền lành tốt tính nhưng bố chồng cực kỳ khó chịu. Mỗi khi tan làm, chỉ cần Phương về trễ 15 phút là ông đi ra đi vào càu nhàu than vãn là không có ai cơm nước.
Biết là trái ý bố chồng nên Phương lẳng lặng thay đồ và nhanh chóng bắt tay vào bếp núc. Cả buổi hôm ấy, Phương bị ông dằn vặt vì cái sự đi làm về trễ giờ của mình. Hỏi câu gì ông cũng không nói, không khí gia đình chính vì thế vô cùng căng thẳng.
Rồi Phương sinh con. Có con nhỏ, mẹ chồng xúm vào đỡ đần khiến Phương dễ thở hơn chút ít. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ sinh quay lại công việc, Phương lại càng vất vả. Lo lắng tròn việc ở cơ quan, về tới nhà phải lựa bố chồng, rồi con nhỏ quấy khóc.... khiến cô cảm thấy mệt mỏi. Và càng ngày sống cùng chồng, Phương lại phát hiện anh có tật hay dỗi đúng kiểu "gen di truyền" từ bố.
Thành thử Phương cảm thấy stress, không hề có sự thả lỏng hay tự tin thoải mái mỗi khi trò chuyện với chồng và gia đình chồng. Tình cảm của Phương đối với chồng chính vì thế có sự ngại ngần và xa cách.
Không những thế, Khôi lại có kiểu "cấm vận" vợ mỗi khi giận dỗi. Có lần Phương xuống nước trước, khều tay Khôi đã bị anh hất ra khiến rất giận. Nhu cầu gối chăn của chồng chỉ bình thường, trong khi Phương lại có nhu cầu cao nên mỗi lần chồng làm mình làm mẩy giận dỗi, Phương cảm thấy vô cùng khó chịu và khổ sở. Đau khổ và suy nghĩ mãi, Phương cũng nghĩ ra cách trị tính hay dỗi hờn của chồng.
"Mình dùng chiêu "lấy độc trị độc" để đối phó lại chồng bởi mình nhận ra tính hễ không được như ý là giận dỗi của chồng đều là sản phẩm của việc được gia đình quá nuông chiều từ bé. Mình thì không thể tiếp tục chạy theo nịnh nọt anh mãi được nên chọn cách... phớt lờ những lúc chồng dỗi.
Nếu cãi nhau xong mà chồng làm mặt lạnh, không thèm nói chuyện, rủ đi đâu cũng lắc đầu, là mình bơ luôn, Mình đưa con đi gặp bạn bè, hát hò, đi chơi... Nhiều hôm mình ăn vận đẹp, trang điểm bắt mắt và lấy xe đi. Con nhỏ mình nhờ bà trông hộ. Thực chất là mình đến nhà cô bạn thân tám chuyện, nhưng bản thân phải cố làm ra vẻ "huyền bí" để chồng phải chột dạ.
Còn đến lúc lên giường rồi mà anh ấy vẫn cố thủ quay lưng, mình cứ mặc mát mẻ, mở máy tính vừa chat Facebook vừa cười rúc rích hoặc mở phim nóng có âm thanh khiêu gợi", Phương chia sẻ.
Sau khi áp dụng cách này, Phương thấy hiệu quả. Chồng cô sau nhiều lần thấy một mình thui thủi còn vợ vẫn vui vẻ thì cảm thấy chột dạ và trở nên quan tâm đến vợ, bỏ hẳn được tính giận dỗi vô cớ.
Theo Châu Anh
Gia đình và Xã hội
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn