Nhiều người bề ngoài tươi cười, hạnh phúc nhưng bên trong hoàn toàn trái ngược. Thư cũng trong hoàn cảnh tương tự, bên ngoài thì lúc nào cũng vui vẻ, nhưng bên trong cô luôn khóc thầm bởi có người chồng quá vô tâm.
Thư vốn mạnh mẽ. Cô quan niệm rằng, phụ nữ không nên ở nhà ngửa tay xin tiền chồng, đòi hỏi ở chồng mình, mà bản thân phải biết kiếm tiền thì hạnh phúc gia đình mới tồn tại.
Vũ - chồng Thư chỉ biết đến công việc, về nhà lúc nào cũng ôm khư khư cái máy tính hoặc điện thoại chơi game mà hiếm khi chia sẻ việc nhà với vợ con.
Thư biết lương chồng gấp ba lần của cô, tức là phải 25 triệu nhưng hàng tháng anh chỉ đưa cho cô 7 triệu. Và khi Thư bảo là chồng cần phải đưa thêm tiền để cô chi trả tiền điện nước, đón tiền học cho con học mẫu giáo thì Vũ chỉ ậm ừ rồi làm ngơ. Đến khi bí quá, tiền học cho con lại đến hạn đóng, Thư đành giục chồng lần nữa, ai ngờ Vũ quát ầm lên: “Em tiêu cái quái gì mà lắm thế” khiến cô buộc phải ghi chi tiêu hàng ngày cụ thể, từ các khoản điện nước, ma chay hiếu hỉ tới tiền gửi xe….
Cuối tháng, Thư đưa sổ chi tiêu cho chồng coi thì Vũ gạt đi không thèm liếc nửa con mắt, mặc cho Thư xoay thế nào thì xoay.
Thời gian đầu làm vợ, Thư cũng than phiền, trách móc chồng không cùng vợ chia sẻ việc nhà. Những lúc như vậy Vũ hét toáng lên rằng Thư tham lam, ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân vì cái gì cũng muốn thuộc về mình. Trong khi thực tế, Thư cũng lo kiếm tiền như chồng, ngoài đi làm cô còn phải lo mọi mặt từ đối nội đến đối ngoại trong gia đình.
Thật sự Thư cảm thấy áp lực và rất mệt mỏi vì có người chồng không tâm lý, lúc nào cũng nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến cảm xúc vợ.
Đến khi mang bầu bé thứ hai, Thư hy vọng chồng sẽ biết lo lắng, chú tâm vợ. Nhưng Vũ “vẫn chứng nào tật nấy”, vợ đến ngày dự sinh phải nhập viện, buổi tối anh vẫn nằm chơi cho đã rồi ngủ, chỉ buông được điện thoại ra khi tới giờ ăn hay đi tiểu tiện.
Thấy con rể đi chăm vợ đẻ mà vậy, mẹ Thư góp ý thì Vũ lầm lì, leo lên giường cầm điện thoại chơi game. Vì phòng phụ sản chật, buổi tối, mẹ Thư phải trải chiếu dưới gạch nằm. Mấy người đi chăm con và vợ đẻ thấy thế lạ nên hỏi, mẹ Thư đành cười trừ bảo: “Nằm trên giường nóng quá” …
Chứng kiến cảnh đó, Thư muốn làm um lên cho đã miệng nhưng nghĩ ở bệnh viện mà cự cãi thì sợ người ta cười cho. Nhìn chị em nằm xung quanh đi 1 bước chồng cũng dìu, 2 bước chồng cũng dắt mà Thư thấy tủi thân vô cùng.
Vậy nhưng, có điều mâu thuẫn là, lúc nào Vũ cũng tỏ ra quảng giao, có nhiều bạn bạn, được nhiều kẻ quý mến nhưng anh không hề biết quan tâm đến người khác, không cần hỏi xem vợ có mệt không, con cái ăn uống, ốm đau như thế nào. Nhiều lần Thư bận mà nhờ chồng đi mua bỉm, sữa hay đồ gì đó cho con thì Vũ lại xẵng giọng kêu hết tiền rồi mắng mỏ: “Là mẹ em phải biết lo trước cái việc cỏn con ấy chứ!”.
Rất buồn và không hài lòng về chồng song Thư vẫn phải tự động viên mình, vẫn phải dặn mình hướng đến những suy nghĩ tích cực. Rằng thì là, Vũ trọng bạn bè, hay tụ tập vì anh sống tình cảm có trước có sau. Còn việc Vũ vô tâm với vợ con là vì hạn chế trong nhận thức, do sống với bố mẹ từ xưa đến nay vẫn thế nên quen rồi, khó sửa và vợ chồng cần thông cảm cho nhau...
Tuy nhiên, trong sâu thẳm lòng mình, Thư vẫn luôn buồn đau. Sự vô tâm, vô tính của chồng đủ lớn để giết chết một hạnh phúc. Nhiều lúc cô tự nhủ: Sao có chồng mà cũng như không!
Theo Vũ Vân
Gia đình và Xã hội
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn