Tôi và Hiên ở cạnh nhà nhau, từ nhỏ đến lớn đều học cùng lớp, lớn lên cùng thi sư phạm. Học xong tôi về quê, chọn viết lách là kế mưu sinh, còn Hiên ở lại thành phố, đi học thêm một lớp kế toán rồi vào làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Hiên cũng như tôi, ngày xưa đều chỉ có một ước mơ cháy bỏng được làm cô giáo đứng trên bục giảng dạy lũ trò nghèo. Nhưng Hiên nhiều tham vọng hơn tôi, có thể vì ngày xưa nhà nó thuộc diện nghèo nhất nhì làng nên nó sợ cái nghèo đến mức ám ảnh. Vậy nên nó muốn làm một nghề gì đó dù vất vả hơn nhưng kiếm ra tiền hơn là quay về quê quẩn quanh với xóm làng như ước mơ ngày thơ bé.
Hiên đón tôi ở bến xe, nét mặt rạng rỡ “Xin chào cô hàng xóm!”. Lâu ngày không gặp, tôi suýt thì không còn nhận ra cô bạn nối khố của tôi ngày nào. Hiên xinh đẹp quá, hiện đại quá, trông không khác gì một cô gái thành phố chính hiệu. Thấy tôi ngẩn ngơ, tưởng tôi mệt Hiên liền kéo tôi vào quán nước ven đường rồi gọi hai ly nước mía. Hai đứa vừa ngồi xuống thì có một cụ già bê rổ ổi đến. Nhìn dáng dấp và cách ăn mặc của cụ thì chắc là ở quê ra. Cụ đon đả mời: “Hai cô mua ổi đi, ổi trong vườn già vừa mới trẩy sáng nay, giòn và ngọt lắm”. Hiên nhìn rổ ổi rồi hất mặt hỏi:- Bao tiền một cân? -
- Hai mươi lăm nghìn cô ạ!
- Cái bà già nhà quê này, ổi đâu mà đắt thế, người ta bán có mười lăm hai mươi nghìn đầy ra kia kìa.
- Nhưng ổi này của vườn già ở quê trồng, sạch và ngọt lắm, tiền nào của nấy chứ cô.
- Thưa bà, tôi cũng ở quê ra đây ạ, có muốn “chém” thì đi “chém” mấy bà thành thị ấy. Tưởng ở phố người ta hái được ra tiền chắc.
Tôi can Hiên, định rút tiền ra mua cho bà cụ một ít. Trời nắng thế này, có vài cân ổi mà cụ giang nắng cả ngày cũng tội. Thế nhưng Hiên đã nhanh tay khuẩy cụ đi, rồi bảo tôi:
- Sống ở thành phố, đừng có nghĩ nhiều đến từ “nhân đạo”. Mấy bà bán hàng giờ khôn lắm, cứ ăn mặc quê kiểng vào rồi bán gì cũng nhân danh nhà quê để bán cho đắt hàng. Phố còn chẳng ăn ai nữa là quê.
Hiên chở tôi về nhà trọ. Căn phòng nhỏ nhưng tiện nghi khá đầy đủ và gọn gàng. Tôi bảo Hiên là mẹ nó gửi cho nó ít trứng gà và mắm tép do bà tự làm. Vào mùa tép nhiều bà luôn tự ra sông dùng nhủi xúc tép rồi về làm mắm, vừa để ăn dần vừa để gửi cho con gái. Bà kể ngày xưa Hiên thích ăn nhất là mắm tép. Đến bữa chỉ cần bát cơm chan vài thìa mắm tép nó khua loáng cái là xong bữa. Nó còn bảo sau này lớn lên nó sẽ mở của hàng bán mắm tép do mẹ làm, chắc chắn mắm mang thương hiệu mẹ nó sẽ nổi tiếng. Nghe tôi kể lại chuyện này cái Hiên cười nắc nẻ: “Ôi trẻ con, nghĩ lại mới ngây thơ làm sao. Chẳng qua ngày xưa đói không có gì ăn nên được thìa mắm tép thấy cơm ngon lạ lùng vậy chứ. Giờ thỉnh thoảng đúng là cũng thấy nhớ nhớ thèm thèm nhưng ngại không muốn ăn, vì cái mùi mắm ấy, cứ ăn xong lại phải đi đánh răng bất tiện lắm”. Tôi nhìn Hiên rồi lại nhìn mấy lọ mắm tép để ở góc phòng, tự nhiên thương mẹ Hiên kỳ lạ.
Hai đứa đi chợ rồi về nấu ăn. Bao nhiêu chuyện từ hồi nảo hồi nào tuôn ra không hết. Cái cảm giác như thể sống lại thời sinh viên trọ học ngày xưa. Hiên hỏi tôi chuyện chồng con thế nào? Rồi nó kể tôi nghe ngày nó ra trường tới nay đã qua mấy cuộc tình nhưng chẳng đâu vào đâu. Người được trai tý thì xuất thân nông thôn, nghĩ lấy nhau rồi hai vợ chồng vạ vật thuê nhà, thấy chán nên thôi. Người có tiền thì lại keo kiệt, đưa bạn gái đi ăn cứ xem đi xem lại thực đơn xem món nào rẻ hơn mới gọi. Nghĩ đến cảnh lấy nhau rồi, đến bữa ăn chồng hỏi món này mua hết bao tiền, món kia bao nhiêu, thấy nản quá cũng lại thôi.
Giờ nó đang “kết” một anh là trai thành phố hẳn hoi, công ăn việc làm đàng hoàng, con trai một nên nhà cửa không phải lo, xem ra gia đình cũng gia giáo. Anh người yêu cứ đòi nó đưa về quê mấy lần nhưng nó còn lưỡng lự chưa dám đưa. Ở phố nó chịu khó đầu tư ăn diện, không ai biết gia cảnh nhà nó nghèo nàn, sợ rằng mới yêu nhau, tình yêu cũng chưa sâu đậm bền chặt, lỡ may đưa về nhà người ta thấy nhà mình nghèo, thấy người nhà mình quê mùa thì xấu hổ. Vậy nên bạn muốn để tình yêu bền chặt thêm tý đã, có khi là làm sao có bầu trước để đặt anh ấy vào thế phải cưới, lúc đó giàu nghèo gì cũng chẳng phải là vấn đề nữa.
Tôi nhìn nằm Hiên, tự nhiên không biết phải nói gì. Hiên thay đổi nhiều quá, cả cách suy nghĩ cũng thật khác. Tự bao giờ Hiên lại cảm thấy xấu hổ vì gia cảnh của mình, về xuất thân của mình, về cha mẹ mình như thế. Hiên sống ở thành phố, ăn như người thành phố, mặc như người thành phố và cảm thấy hổ thẹn về gốc gác của mình, về sự nghèo khó của mình, và cả sự chân chất quê mùa của bố mẹ mình. Là Hiên muốn thay đổi hay chính sự bon chen, khắc nghiệt và cả hào nhoáng của chốn thị thành đã làm cho Hiên trở nên chua ngoa hơn, ích kỉ hơn như thế.
Hiên nói lâu nay Hiên không về quê cũng không phải vì quá bận mà là vì mỗi lần về cứ quanh quẩn ở bếp ở vườn, trưa nghe chó sủa, tối nghe ếch kêu buồn không chịu được. Hiên quen rồi sự nhộn nhạo của phố xá chứ không phải sự im lìm đến tĩnh mịch ở quê. Hiên quen rồi sự lấp lánh của những ánh đèn màu chứ không phải con đường quê tối đen như mực. Thậm chí, có những lúc vật vã mưu sinh nơi phố phường, tay trắng vào đời, thân cô thế cô bị người ta coi thường, ức hiếp, chà đạp Hiên đã nghĩ nếu Hiên không sinh ra ở làng, nếu bố mẹ Hiên không phải là nông dân chắc đời Hiên đã khác.
Tiếc là không ai chọn được nơi mình sinh ra nên Hiên sẽ chọn nơi mình sẽ sống. Hiên muốn lấy chồng thành phố, con Hiên có hộ khẩu thành phố, và trong giấy tờ chỗ ghi quê quán của con Hiên là thành phố. Và để làm được điều đó Hiên đang cố tỏ ra mình là người sành điệu, giấu đi gia cảnh của mình. Hiên còn quên rằng những người bố người mẹ ở quê như bố mẹ Hiên sẽ cảm thấy nhục nhã và xấu hổ thế nào nếu con mình chưa chồng mà chửa.
Sau khi chở tôi đến bệnh viện, chờ làm một loạt xét nghiệm, lấy kết quả xong Hiên lại chở tôi ra bến xe về cho kịp chuyến cuối. Lúc chia tay Hiên giúi vào tay tôi một ít tiền nhờ mang về biếu bố mẹ. Tôi muốn nói với Hiên rằng bố mẹ Hiên không trông mong được Hiên cho tiền đâu. Họ chỉ mong Hiên luôn khỏe mạnh, sống vui, sống tốt và thỉnh thoảng thu xếp về thăm nhà cho họ đỡ nhớ. Nhưng tôi chưa kịp nói thì Hiên đã đẩy tôi lên xe để tìm ghế ngồi phía trước cho đỡ say.
Xe chuyển bánh rồi tôi thấy Hiên vẫn còn tần ngần đứng đó nhìn theo, chợt thấy nó quá bé nhỏ giữa nhộn nhạo người xe qua lại, nước mắt tôi cứ lăn dài không cách nào chế ngự. Chính tôi cũng chẳng biết vì sao mình lại khóc .
L. G
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn