Kiên nhẫn là chìa khoá thành công
Thực tế, việc bé tự nhiên yêu thích một món ăn không phải là bản năng bẩm sinh mà là điều gì đó cần được dạy dỗ. Thậm chí, các nghiên cứu cũng cho thấy bé sẽ chỉ bắt đầu thích ăn một loại hoa quả khi đã được nếm thử ít nhất 8 đến 9 lần. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên sớm bỏ cuộc mà phải chấp nhận chuyện “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Đừng ngại thử nghiệm mọi thứ
Trong hai năm đầu đời của bé, mẹ bé có thể cho bé nếm thử thật nhiều loại đồ ăn. Hãy nhớ rằng bắt đầu từ sau năm hai tuổi, bé sẽ kén ăn hơn nhiều. Và nếu ngay từ lúc nhỏ đã được tiếp xúc với nhiều loại đồ ăn, bé nhà bạn cũng sẽ có khẩu vị đa dạng hơn và dễ ăn hơn.
Bàn ăn luôn thoải mái
Lo lắng và căng thẳng luôn gây ức chế sự thèm ăn. Chính vì vậy, một bữa ăn gia đình luôn cần có mọi thành viên quây quần bên nhau, trò chuyện, kết nối với nhau và tuyệt đối không nên chỉ chằm chằm đếm từng miếng ăn của bé. Thực tế, nếu các bậc phụ huynh có thể tự thưởng thức ngon lành bữa ăn của mình, bé cũng sẽ có một hình mẫu để noi theo và ăn uống trong bầu không khí thoải mái hơn nhiều.
Đừng bị đóng khung trong việc ăn uống
Kỳ thực, bé vẫn chưa thể định hình được bữa sáng cần ăn gì, bữa nhẹ, bữa vặt ăn ra sao. Đây chính là lợi thế của bạn khi có thể tự tạo ra thật nhiều phương án ăn uống. Trong đó, bạn cũng có thể loại bỏ những món đồ ăn có hại cho cơ thể, ví dụ, thay vì ăn vặt với bim bim, bánh kẹo, bạn có thể nấu vài món soup nhẹ cho bé nếm thử.
Đừng ngại chuyện lộn xộn
Bé cần được trải nghiệm đồ ăn với đầy đủ mọi cảm xúc. Có khi, bé sẽ nghịch ngợm, bôi bẩn và tạo ra một mớ lộn xộn thực sự. Tuy nhiên, thay vì nổi giận, các mẹ hãy nhớ rằng con trẻ đã được “lập trình” khám phá mọi thứ bằng đôi tay và khuôn miệng. Nên chuyện bé nghịch thức ăn thực chất cũng chỉ là một cách để bé tìm hiểu thế giới mà thôi.
Luôn có rau củ trong mỗi thực đơn
Hãy luôn “tranh thủ” để tạo cho bé thói quen ăn những thực phẩm có lợi như rau, củ, quả. Càng thân quen với thứ gì, bé càng dễ chấp nhận hơn và các bậc phụ huynh nên tập cho bé ăn rau vào các bữa sáng, trưa, tối thay vì chỉ một vài thời điểm nhất định.
Học cách đưa ra những thông điệp tích cực
“Cùng ngồi xuống để mẹ con mình có thể vừa ăn vừa tận hưởng nào”, “Bây giờ bụng con đã vui chưa hay vẫn còn tức giận”… rất nhiều thông điệp bạn có thể từ từ trao đổi với con thông qua việc ăn uống. Và càng giao tiếp mỗi ngày, bé sẽ càng thấy gần gũi với đồ ăn cũng như tăng cảm giác ngon miệng.
Trà Xanh
Theo Parents
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn