Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ
Ngôn ngữ cử chỉ của cha mẹ càng linh hoạt thì càng có khả năng giúp bé học nói nhanh hơn, đơn giản vì ngôn ngữ cử chỉ giúp các bé tăng khả năng giao tiếp đồng thời giúp bé cảm thấy phấn khích, muốn học nói thật nhanh. Bạn hãy cố gắng luôn đính kèm một hành động khi nói ra một từ ngữ và lặp lại thường xuyên những sự kết hợp này để tăng khả năng kích thích bé.
Hãy nói về mọi thứ
Khám phá từ mới luôn là điều quan trọng nhất khi bạn học một ngôn ngữ. Vì vậy, hãy cố gắng nói thật nhiều với bé yêu và hãy nhớ nói chậm rãi, rõ ràng để bé dễ nhớ. Ngoài ra, hãy giữ cho ngôn từ đơn giản và dùng nhiều câu ngắn đồng thời thêm vào nhiều quãng nghỉ trong cuộc nói chuyện để cho bé của bạn có cơ hội học cách phản hồi.
Không bỏ quên những lời khen
Khi bé nói được một từ mới hoặc khi bé có thể tự mình trình bày một yêu cầu, hãy mạnh dạn dành tặng bé những lời khen và cùng bé chia sẻ thêm về các từ ngữ.
Đừng ngại sự thật mất lòng
Khi bé mới bắt đầu tập nói sau suốt một quãng thời gian dài cố gắng, các bậc cha mẹ có thể chưa hiểu được ngay bé muốn nói gì. Nhưng nếu như bé đã dần nắm chắc được từ ngữ mà bạn vẫn không thể hiểu được ý bé, hãy từ tốn nói cho bé biết rằng: “Mẹ thích được nghe con nói nhưng mà mẹ xin lỗi, mẹ không hiểu được ý con”.
Bắt chước lời bé
Hãy lặp lại chính những từ ngữ bé đã nói với bạn rồi khéo léo thêm một, hai từ ngữ của bạn để dần giúp bé mở rộng cấu trúc câu. Đồng thời, cách thức này cũng khuyến khích bé bày tỏ thêm các lời nói của mình.
Đừng trổ tài “tiên tri”
Đôi khi bé chỉ mới bắt đầu bạn đã có thể đoán được bé muốn nói gì. Tuy nhiên, hãy kiên nhẫn chờ đợi bé nói hết câu thay vì mớm lời hoặc dễ dàng đáp ứng bé.
Đọc sách
Sách là kho từ ngữ không bao giờ vơi cạn không những giúp bé luyện nói mà còn giúp bé sớm hình thành thói quen đọc sách. Ngoài việc cùng bé đọc sách, cha mẹ cũng nên tận dụng việc đọc ở mọi nơi, mọi lúc, ví dụ như đọc cho bé biển báo trên đường, đọc tên sản phẩm, đọc tờ quảng cáo…
Giới hạn các phương tiện điện tử
Bé có thể chủ động luyện nói thông qua các ngôn từ, thay vì mải mê với tivi hay điện thoại, máy tính bảng. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các phương tiện điện tử có liên quan tới việc bé dưới 3 tuổi chậm học nói.
Vì vậy, các phụ huynh nên giới hạn thời gian cho bé sử dụng các phương tiện điện tử. Đối với bé từ hai tuổi trở lên, bé chỉ nên có hai giờ đồng hồ sử dụng điện thoại, máy tính bảng. Còn đối với các bé nhỏ tuổi hơn thì cha mẹ nên hạn chế hoàn toàn các phương tiện điện tử.
Trà Xanh
Theo MOM
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn