Đối với nhiều FA (Forever Alone - tạm gọi là từ để chỉ những người ngày này qua tháng khác vẫn cứ độc thân cho dù là do "cố tình thích thế" hay vì sự thật là "lực bất tòng tâm"), việc cả năm chẳng "cất nhắc" được một ai ở bên cạnh để gọi là người yêu, để chia sẻ buồn vui, chia sẻ đồ ăn, cùng làm những chuyện "chỉ những đứa yêu nhau mới làm" nhiều khi không phải chuyện gì lớn lắm, nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất của họ lại là những ngày này, khi năm hết Tết đến, rậm rịch về nhà với thầy u, chuẩn bị đối mặt với câu hỏi năm nào cũng phải nghe của từ ông bà, bố mẹ, đến cô bác họ hàng, thậm chí là từ ông xe ôm đầu ngõ: "Bao giờ lấy chồng?", "Bao nhiêu tuổi rồi, sắp lấy chồng chưa cháu?".
"Thói quen thân thiện" này của người Việt trong rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh đã trở thành cơn ác mộng khiến người được quan tâm hỏi han dở khóc dở cười.
Nhiều ý kiến cho rằng những câu hỏi kiểu "bao giờ lấy chồng" dù vô thưởng vô phạt với người hỏi nhưng lại là quá vô duyên, quá là "cay" đối với người được (bị) hỏi. Dù bên ngoài cười nụ nhưng bên trong không tránh khỏi khóc thầm, đám FA ngoài mặt có thể gãi đầu gãi tai, cố gắng nói khẽ cười duyên khiêm tốn đáp lại kiểu "cháu vẫn chưa có người yêu", hay "cuối năm ạ" (cuối năm nào thì chưa biết) nhưng trong dạ chắc chắn đang vận công hết cỡ cố kìm nén cho khỏi bung ra loạt ý nghĩ "bao giờ lấy chồng là việc của mình", "trời ơi không còn câu gì khác hay hơn để hỏi sao?", "đừng có xoáy mãi vào việc bao giờ cháu lấy chồng, cháu cũng là con người có lòng tự trọng, biết tổn thương đấy, mà tổn thương nào lớn hơn là đã ế còn suốt ngày bị hỏi bao giờ xuất được hàng!".
Thật ra thì, nỗi khổ đối mặt với câu hỏi này của bà con xóm giềng không khổ bằng đối mặt với câu hỏi của chính người nhà, bao gồm ông bà cha mẹ.
Bạn Hoàng Hà, một FA 31 tuổi tâm sự:
"Tết là để về nhà quây quần đầm ấm bên gia đình, để tận hưởng cái hạnh phúc đoàn viên khi những ngày thường trong năm mình không có được do còn bận công việc, học hành nơi xa. Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc cũng vơi đi gần nửa khi thấy mẹ ra vào thở dài thiểu não "năm nay vẫn chưa có đứa nào để dẫn về à", "mẹ nói mãi rồi, mày già kén kẹn hom" hay bà nội thì có nhõn 1 chỉ vẫn "để dành chờ ngày con Tít cưới thì trao cho nó, biết bà có còn sống để chờ đến ngày đấy hay không".
Thật ra mong muốn tìm hiểu kỹ càng trước khi cưới, không yêu gấp, cưới vội trong chuyện cả đời người là mong muốn chính đáng của các FA. Nhiều người trong số họ không hề "kén" nhưng là duyên chưa tới hoặc còn mải mê với những mối quan tâm, mục tiêu khác trong đời.
Người trẻ, bản thân họ không áp lực với chuyện lập gia đình khi nguồn năng lượng của họ đã chia sẻ cho nhiều vấn đề khác như công việc, học tập, trau dồi các kỹ năng, kiếm tiền, đi đây đó để có thêm nhiều trải nghiệm. Nhưng cả năm tung cánh tự do, quay về nhà đối mặt với hệ tư tưởng cũ "có an cư mới lạc nghiệp", "có yên bề gia thất công việc mới hanh thông", đối mặt với sự quan tâm đầy soi mói của hàng xóm láng giềng, những xì xào bàn tán và cả tiếng thở vắn than dài của gia đình thì đó lại là áp lực thực sự đối với họ.
Chuyện dài không hồi kết, nhưng năm nào đến những ngày này, cơn ác mộng cũng quay lại - sự thở than não nuột của ông bà, mẹ cha có con "ế", có "bom nổ chậm trong nhà" và nỗi lo khi trở về của những đứa con chưa có đôi có cặp.
Liên quan đến "nỗi khổ" của những người trẻ muộn kết hôn trước câu hỏi "Bao giờ lấy vợ/ lấy chồng", PV Dân trí đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS. TS Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh, trưởng khoa Công tác xã hội, đại học Công đoàn. Hy vọng cuộc trao đổi sẽ giúp bạn trẻ giải tỏa được áp lực, đón một cái Tết nhẹ nhàng, vui trọn vẹn hơn bên người thân, gia đình.
- Xin chào PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh. Cảm ơn chị đã nhận lời trò chuyện với độc giả Dân trí. "Bao giờ lấy vợ/ lấy chồng" - ở góc độ giao tiếp xã hội, theo chị câu hỏi này có phải một "thói quen thân thiện" của người Việt không, hay là một câu hỏi ác ý?
"Thói quen thân thiện" hay "Câu hỏi ác ý" là tùy vào sự nhận định của mỗi người, cả người hỏi và cả người nghe. Mình không thể nhìn thấy vấn đề như vậy mà đánh giá về mục đích câu hỏi của họ. Nhưng xét trên góc độ giao tiếp xã hội, thực tế câu hỏi này bắt nguồn từ giá trị truyền thống của người Việt Nam là luôn quan tâm, lo lắng và mong muốn con cháu mình sớm yên bề gia thất. Và sự thích nghi để mà xoay chuyển suy nghĩ của các bậc ông bà, cha mẹ từ quan điểm truyền thống sang tư tưởng, lối sống hiện đại của giới trẻ là kết hôn muộn hay không muốn kết hôn là không đơn giản và thậm chí không thể thay đổi được.
- Câu hỏi này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người bị hỏi như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, khi số người trẻ kết hôn muộn ngày càng nhiều?
Trên thực tế, mỗi người với những nhóm tính cách khác nhau sẽ có sự ảnh hưởng tâm lý khác nhau. Có người sẽ cảm thấy vui vì được ông bà, cha mẹ quan tâm. Có người thấy bình thường vì họ thấu hiểu những sự mong muốn tốt đẹp của ông bà cha mẹ. Nhưng cũng có người sẽ rất khó chịu, bực bội và bị sốt ruột theo nếu chưa lập gia đình. Tuy nhiên, số lượng nhóm thứ ba đang có xu hướng đông và ảnh hưởng tâm lý đối với họ khá lớn. Họ sẽ bị áp lực khi mà cuộc sống đang bộn bề cơm áo gạo tiền, khi mà họ muốn hưởng thụ một cuộc sống riêng tư không phải trách nhiệm lo toan thêm cho ai và thậm chí càng gây stress với những người mong kết hôn rồi nhưng không thể tìm được bạn đời. Nguyên nhân dẫn tới việc thế hệ trẻ chưa kết hôn thì có nhiều, nhưng tất cả những câu giục giã của người thân sẽ khiến cho các bạn trẻ rơi vào sự bế tắc, bức xúc và khủng hoảng.
- Vậy chúng ta có nên giữ thói quen hỏi những câu hỏi quá riêng tư (như Bao giờ lấy chồng, Bao giờ sinh con? Lương tháng bao nhiêu? Ăn cơm chưa? Đang đi đâu đấy?...) trong giao tiếp hay không? Nên phản ứng ra sao nếu bạn là người "bị" hỏi?
Mỗi một con người cần luyện cho mình sự tôn trọng người khác và tôn trọng sự quyết định của người khác, tôn trọng quyền riêng tư của người khác bởi lẽ không ai có thể sống thay cho ai. Cuộc đời người nào người đó tự chịu trách nhiệm bởi tất cả việc lựa chọn như thế nào là do họ. Bên cạnh đó, nếu lấy quan điểm, tư duy cá nhân để áp vào người khác, muốn họ phải theo suy nghĩ của mình, theo lời khuyên của mình, theo lối sống của mình thì là điều sai lầm lớn vì chỉ chính mỗi người mới biết mình hợp với điều gì để lựa chọn. Một xã hội chỉ văn minh khi có những con người lịch sự, chuẩn mực, tinh tế uyển chuyển và có nguyên tắc sống rõ ràng. Vì vậy, nếu các bạn trẻ bị hỏi các câu quá riêng tư thì cũng từ tốn nhẹ nhàng trả lời: "tất cả là tùy duyên ạ!"
- Cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này!
Huyền Anh
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn