Mẹ chồng - nàng dâu, là chủ đề mà các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà làm phim… khai thác mãi không hết. Và những người trong cuộc, dù là nhân vật chính diện hay phản diện, chắc chẳng ai mong muốn mình bị đem ra nói xấu. Vậy nên, nếu không muốn là nhân vật chính trong bộ phim dài tập mãi chẳng có hồi kết, các nàng dâu hãy thử tìm hiểu “9 bí kíp sống chung với nhà chồng” xem sao.
Hình minh họa
Bí kíp số 1: Đi nói xấu nhà chồng
Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng bạn chắc chắn phải làm việc này. Hãy nhớ, phải đi nói xấu nhà chồng với hai nhóm người đặc biệt.Nhóm thứ nhất, là những người hiểu biết, để họ phân tích cho bạn đúng - sai, giúp bạn đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu, để cảm thông thay vì chỉ trích hoặc chê trách. Tuyệt đối, đừng chia sẻ với mấy bà “bán bơm tàu”, cuộc đời bạn sẽ xịt luôn đấy, chẳng phồng lên được đâu.Nhóm người còn lại, là những người có mẹ chồng “bá đạo” hơn mẹ chồng bạn.Nói xấu mẹ chồng bạn với họ, nghe người ta nói xấu mẹ chồng người ta, những lúc đó mới thấy “mẹ chồng mình còn tốt chán so với mẹ chồng thiên hạ”.
Bí kíp số 2: Chị chồng, em chồng ư? - Hãy biết làm ngơ
Cứ thi thoảng tôi lại được chia sẻ thế này: “Điên lắm em ạ! Chị thì một tay nấu cơm, một tay bế con còn em chồng cứ ở lỳ trong phòng. Đến bữa gọi xuống ăn cũng chẳng xuống”. Những lúc như thế, lời khuyên của tôi chỉ là: “Hãy làm ngơ”. Vì giả sử nhà bạn không có em chồng, thì bạn vẫn phải nấu cơm, vẫn phải trông con cơ mà, sao cứ phải mong sự trợ giúp của người khác và khi người ta không đáp ứng thì bực tức? Họ cũng có khiến bạn phải nấu cơm cho họ ăn đâu?
Đó chỉ là một ví dụ điển hình trong trăm, hàng vạn tình huống diễn ra trong cuộc sống giữa chị dâu - em chồng hoặc chị chồng - em dâu. Mỗi lần như thế cứ niệm câu thần chú “Mọi thứ quanh ta dường như không tồn tại”.
Bí kíp số 3: Đừng bao giờ coi mẹ chồng như mẹ đẻ, và cũng đừng bao giờ tin câu nói “Mẹ coi con như con đẻ”
Bởi lẽ, với mẹ đẻ bạn có thể nằm ườn ra kêu mệt để mẹ nấu cơm, rửa bát cho.Với mẹ đẻ, bạn có thể nịnh nọt xin tiền để mua một cái váy đẹp.Với mẹ đẻ, thậm chí đôi lúc bạn có thể cãi láo.Nhưng với mẹ chồng, bạn thử làm những việc trên xem - Đóng hộp, trả về nơi sản xuất ngay lập tức.
Tất nhiên, cũng có một số nàng dâu kiếm được mẹ chồng tốt, thương yêu con dâu còn hơn con đẻ. Mấy nàng dâu đó người ta phải tu tận 10 kiếp mới được.Chúng ta tu chưa đủ, thôi thì cứ mẹ đẻ là mẹ đẻ - mẹ chồng là mẹ chồng cho lành.
Bí kíp số 4: Trách nhiệm trông con là của bạn, không phải của ông bà
Chắc hẳn trong chúng ta, rất nhiều bạn đôi lúc đã cảm thấy hậm hực khi ông bà không trông con cho mình. Mình đi làm lấy tiền nuôi cháu ông bà chứ có đi chơi đâu. Nhỉ?
Tôi cũng đã từng có suy nghĩ như thế - Nhưng chúng ta sai rồi. Con mình sinh ra, mình phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi nấng nó, đừng trông chờ vào ai, kể cả ông bà nội ngoại. Ông bà cũng làm lụng cả đời rồi, tuổi già ông bà phải được nghỉ ngơi, đằng này, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải trông hết cháu nội đến cháu ngoại. Chúng ta hậm hực, chúng ta trách khi ông bà không thể trông, liệu có phải là bất hiếu? Đừng trách ông bà mà hãy trách chính bản thân vì không sắp xếp được thời gian trông con và hãy trân trọng mỗi phút giây ông bà trông con cho mình. Nhé!
Bí kíp số 5: Nhà của ông bà, không phải của bạn. Tiền của ông bà, không phải của bạn
Rất nhiều bạn trẻ bây giờ, buông lời than trách khi ông bà không cho tiền mua xe, ông bà không cho tiền mua nhà. Ông bà có tiền - không cho - trách.Ông bà không có tiền - không thể cho - cũng trách.
Trách - vì hàng xóm được ông bà nội cho tiền xây nhà.
Trách - vì đứa làm cùng cơ quan được ông bà nội cho tiền mua xe.
Trách - vì đứa bạn cùng lớp được bố mẹ chồng xin vào làm chỗ tốt.
Nhưng các bạn nên nhớ “Miếng phô mai có sẵn chỉ có trong cái bẫy chuột mà thôi”. Đừng trách vì ông bà đang dạy chúng ta bài học về sự nỗ lực đấy. Chỉ những gì chúng ta tự làm ra, chúng ta mới cảm thấy ý nghĩa và trân trọng nó.Sau này, dù bất kể chuyện gì sảy ra bạn cũng không phải cúi đầu trước nhà chồng vì đã từng “được cho”.
Bí kíp số 6: Phải biết kiếm tiền
Nàng dâu nên tự biết kiếm tiền để tự cân đối cuộc sống của mình.
Chồng giàu hay chồng nghèo bạn vẫn phải tự kiếm được tiền.
Ở nhà hay đi làm bạn vẫn phải kiếm ra tiền.
Tiền nhiều hay tiền ít đó vẫn phải là những đồng tiền mà bạn tự kiếm ra.
Đó là sự tôn trọng chính bản thân bạn, sự bảo toàn hạnh phúc gia đình, tuyệt đối không bao giờ được phép biến mình thành kẻ ăn bám. Đừng bao giờ nghĩ rằng, con còn nhỏ, con ốm yếu, mình phải ở nhà chăm con để chồng đi kiếm tiền. Tất cả phụ nữ trên đất nước Việt Nam này đều được nghỉ thai sản 6 tháng, bạn cũng nên thế. 50% trong số họ không có người trông con, họ xoay sở được, bạn cũng nên thế. 50% của số 50% con khó ăn, con khó ngủ, con hay ốm… họ cân đối được, bạn cũng nên thế.
Bí kíp số 7: Nhớ những ngày quan trọng
Những ngày lễ, tết hay những dịp sinh nhật ông bà, bạn không bao giờ được phép quên tặng quà và chúc mừng. Bạn giàu – quà to, bạn nghèo – quà bé nhưng một món quà kèm với lời chúc chân thành sẽ khiến bạn được trân trọng hơn.
Bí kíp số 8: 1 điều nhịn là 9 điều lành hay 9 điều nhục?
Có một điều rất lạ là trong số những người tôi quen biết, cứ nàng dâu nào ghê gớm một tí, đanh đá một tí lại yên ổn hơn với nhà chồng. Còn những nàng nào sống có vẻ biết điều, nhẫn nhịn lại thường gặp nhiều trở ngại. Nhưng xét về tâm lý học, điều này lại cực kỳ dễ lý giải. Bạn ghê gớm, chẳng ai muốn động vào bạn cả. Còn khi bạn im lặng, hiền lành, vâng dạ họ lại được đà lấn tới.
Bạn tôi, gái quê, lấy chồng Hà Nội. Thu nhập cao hơn chồng, sống rất biết điều nhưng thường xuyên bị mẹ chồng “tâm sự” rằng: “Con lấy được con trai mẹ như chuột sa chĩnh gạo”, “Nhà hàng xóm có phúc thế không biết, con dâu nó biết đẻ con trai, mỗi tháng lại biếu mẹ chồng vài triệu để tiêu”, thậm chí, khi cô ấy mổ sỏi thận phải gây tê tủy sống, nằm viện, chồng cô ấy chạy ra với vợ được vài phút rồi chạy về đi nhậu với anh em, bà vẫn bảo: “Nó đi nhậu là vì công việc”. Cô ấy nhịn, nhịn và nhịn. Nhịn đến mức đỉnh điểm, cô ấy bị chồng đánh, rồi chồng cô ấy có bồ, bà vẫn bảo “Khi nào bắt được trai trên gái dưới hãy hay”. Và tất nhiên, điều gì đến đã phải đến. Cô ấy ly hôn. Rất nhiều người mắng cô ấy ngu ngốc vì nhịn quá, giá như cô ấy phản ứng lại luôn từ đầu có phải sẽ không rơi vào hoàn cảnh đó. Nhưng đến hiện tại, khi được hỏi: “Nếu được quay lại, chị có lựa chọn khác?”. Cô ấy vẫn mỉm cười trả lời: “Nếu cho tôi được chọn lại, tôi vẫn chọn đi lại chính con đường mình đang đi, bởi có trải qua như thế, tôi mới được là tôi bây giờ”. Đúng, cô ấy bây giờ tràn đầy nhựa sống và nhiệt huyết.
Gặp tôi, cô ấy luôn cười nụ cười tỏa nắng, kể về cuộc sống hạnh phúc hiện tại, nói về dự định trang trí căn nhà mơ ước mà cô ấy tự mua. Tuyệt nhiên, trong mỗi câu chuyện cô ấy kể không còn những tiếng thở dài và những lời than vãn về nhà chồng nữa. Nhưng ngẫm lại, mấy ai có đủ can đảm dứt bỏ và sống tốt như cô ấy. Vậy nên “một điều nhịn chín điều lành hay chín điều nhục?” đều do bạn tự suy xét và lựa chọn.
Bí kíp số 9: Không lựa chọn sống chung
Đây là bí quyết cuối cùng, cũng là bí quyết quan trọng nhất. Các cụ có câu “Xa thương, gần thường” chẳng sai chút nào đâu. Dù hai vợ chồng bạn có tay trắng, phải đi thuê nhà cũng không nên lựa chọn sống chung. Thay vì ở gần nhau để ngày ngày đi giải quyết mâu thuẫn, bạn nên ở xa để nuôi dưỡng tình cảm mẹ chồng, nàng dâu có phải tốt hơn không? Nếu bố mẹ chồng bạn ốm đau, bạn lựa chọn sống chung để chăm sóc bố mẹ, sẽ rất đáng trân trọng. Nhưng ông bà còn khỏe mạnh, có em chồng, chị chồng trong ngôi nhà đó, bạn nên lựa chọn sống riêng.
4 năm trước, khi mới lấy vợ, ca sĩ Tuấn Hưng từng trả lời phỏng vấn rằng: “Cho vợ ở với mẹ thì tan vỡ ngay - Tôi nghĩ rằng tất cả những người đàn ông muốn giữ gia đình mình đều làm như vậy”. Thế nhưng, điều đáng buồn là rất nhiều ông chồng lại không đủ can đảm để ra ở riêng, ở lại, mặc vợ mình, người đàn bà đầu ấp tay gối hàng đêm phải rơi nước mắt vì những mâu thuẫn phát sinh. Cũng có nhiều mẹ chồng lạ lắm, không cho con trai và con dâu ra ở riêng, phải ở chung để kiểm soát mọi thứ của con dâu. Họ không hề biết rằng, mọi thứ đều như nắm cát vậy, càng giữ chặt, càng chảy rất nhanh.
9 bí kíp sống với nhà chồng không chỉ dành riêng cho những nàng dâu mà còn dành cho cả nửa bên kia, đó là bố mẹ chồng, chị em chồng và đặc biệt là cho những ông chồng. Trong mối quan hệ Nhà chồng - Nàng dâu thì chồng là người đóng vai trò quan trọng nhất. Chỉ cần họ đứng lệch sang một bên thôi là sự cân bằng trong cả gia đình cũng lệch theo. Những người đàn ông thông minh, bản lĩnh sẽ tự biết mình phải đứng ở đâu.
Theo Nguyệt Hoàng
Dân Việt
*Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả*
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn