Trong khu tập thể một trường đại học nọ, có hai giáo viên vật lý ở cạnh nhà nhau. Một anh có người vợ ra vẻ thức thời, thấy lúc bấy giờ những chiếc ti-vi đen trắng “đời Sài Gòn” mà những nhà xung quanh đem từ miền Nam ra cứ năm ngày ba bệnh, bèn khuyên chồng mua ngay cái mỏ hàn, kiếm ăn bằng nghề sửa chữa ti-vi.
Mới đầu anh ta “chọc ngoáy” ở trong khu tập thể, rồi sau lan ra cả vùng, đem về cho vợ những món tiền chi tiêu chợ búa hàng ngày và người vợ cũng chỉ cần có thế là hả hê lắm!
Trong khi, ở nhà bên cạnh, anh kia đêm đêm chúi đầu nghiên cứu miệt mài. May mắn, anh có người vợ không vì thấy người ta “hái ra tiền” mà đay nghiến chồng là dở hơi, cám hấp, vẫn chấp nhận sống thanh đạm với đồng lương ba cọc ba đồng, để chồng theo đuổi công trình mà anh say mê.
Giá như bà vợ ấy cũng bắt chồng mua một cái mỏ hàn để kiếm ăn theo kiểu “mì ăn liền” thì có lẽ ngày nay anh ta đã không trở thành một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, thường xuyên đi báo cáo, giảng dạy ở nước này nước nọ. Trong khi bà hàng xóm từng tự nhận là “thức thời” kia, bây giờ lại chì chiết chồng là bất tài, là không có nghị lực, thiếu tầm nhìn...
Thiết nghĩ, trong những trường hợp như thế, người đáng khen cũng như đáng trách đâu phải là người chồng?
Nhiều người biết Henri Ford là người chế tạo ra chiếc ô-tô đầu tiên trên thế giới và sau này là một tỷ phú xe hơi giàu nhất nước Mỹ. Nhưng còn ai “chế tạo” ra Ford thì chỉ những bạn thân của ông mới biết. Đó chính là Clara - Vợ ông ta!
Thật thế, không có người vợ ấy, Ford không có sự nghiệp ấy. Trên con đường sáng chế chiếc xe bốn bánh tự chạy được, không cần người đẩy, cũng không cần ngựa kéo mà thời đó hầu hết mọi người coi như một ý tưởng điên rồ, Ford đã từng nếm trải bao nhiêu thất bại cay đắng, đến nỗi không còn một đồng xu dính túi, cả đến những cộng sự thân thiết nhất cũng khuyên ông bỏ cuộc.
Duy có một người vẫn tin rằng ông đúng, tin rằng ông sẽ thành công. Đó là Clara, vợ ông ta. Người vợ không ngần ngại bán nốt cả tài sản cuối cùng là ngôi nhà và mảnh đất đang ở để chồng theo đuổi công trình sáng chế của mình và cuối cùng Ford đã thắng.
Thế mới biết, trong sự nghiệp của những đấng tu mi nam tử, vai trò người vợ quan trọng biết nhường nào? Từ lâu, ông cha ta đã gọi người vợ bằng cái tên trân trọng: "Nội tướng".
Không ít đàn ông suốt đời ôm ấp một hoài bão mà chẳng bao giờ thực hiện được. Có khi chẳng phải do thua tài kém trí hay không có nghị lực mà chỉ vì không may mắn có được người bạn đời quán xuyến ở “hậu phương”, động viên khích lệ những khi nản lòng thoái chí.
Đương nhiên, đó phải nói là những người thực có tài và những người vợ thông minh nhìn thấu được tài năng của chồng để động viên anh ta nuôi hoài bão đó bằng những hành động cụ thể. Còn những kẻ chém gió, chỉ "tự cho mình" tài giỏi và cả đời chỉ nhìn trăng, trông giời hy vọng tiền tài rơi vào đời mình thì chúng ta không bàn đến...
Bởi bất cứ sự nghiệp gì, lúc đầu bao giờ chẳng “vạn sự khởi đầu nan”? Ngay từ lúc bắt đầu này, nếu người vợ không tin ở khả năng của chồng, không tin rằng công việc mà chồng theo đuổi có thể đi đến thành công, không ủng hộ mà còn cản trở thì đó chính là bức rào cản lớn nhất mà không phải người đàn ông nào cũng vượt qua được.
Có thể nói, chí tiến thủ của người đàn ông phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của người vợ. Có những người thấy chồng theo đuổi một công việc tốn nhiều thời gian công sức mà kết quả chưa biết thế nào, chẳng xem xét đầu đuôi, xuôi ngược ra sao, đã vội cho là viển vông, vô tích sự. Chỉ muốn chồng lao vào những mục tiêu trước mắt có thể thấy ngay hiệu quả kinh tế theo kiểu "mì ăn liền".
Trong thực tế chúng ta cũng gặp nhiều người đàn ông khi ở tuổi cắp sách tới trường, khả năng không khác nhau nhiều lắm nhưng đến khi trưởng thành cách nhau một trời một vực. Tất nhiên phải kể đến nhiều nguyên nhân, song không thể không kể đến một trong những nguyên nhân quan trọng là do người bạn đời của họ.
Chỉ riêng việc người “nội tướng” có tạo ra được bầu không khí gia đình êm ấm, thoải mái hay không đã là cơ sở để người chồng có được một tâm trạng hào hứng, một nghị lực vượt qua những khó khăn trở ngại trên con đường sự nghiệp hay không?
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Dân Việt
0 bình luận
Để lại ý kiến của bạn