Như lời chị kể, tôi thấy chị may mắn hơn rất rất nhiều nàng dâu khác. Hai vợ chồng chị đều có công việc ổn định, thanh nhàn. Cưới nhau xong được bố mẹ chồng cho đất ra ở riêng. Sinh con xong có bà nội trông nom cho đi làm. Mẹ chồng nàng dâu về cơ bản không có hiềm khích mâu thuẫn gì. Vậy thì những bực bội trong lòng chị đều là do chị từ bày ra và chuốc lấy vì sự hẹp hòi ích kỉ của bản thân.
Trước hết, tôi xin được nói về sự không công bằng của mẹ chồng chị.
Xét cho cùng, bà không có gì đáng để chị phàn nàn cả. Chúng ta làm mẹ, nuôi một đứa con đã vất vả. Mẹ chồng chị già rồi, hai nách hai cháu suốt cả ngày thì là rất vất vả. Con chị ngoan hơn, ít khóc hơn, con của cô thì yếu ớt hơn, hay khóc quấy hơn thì bà phải bế bồng nó nhiều hơn là đúng rồi. Bạn đi làm về, thấy con của cô phải bế bồng, còn con mình thì ngồi chơi ngoan trong nôi trong cũi chẳng vui hơn sao. Chẳng lẽ bạn muốn con mình cũng quấy khóc suốt ngày để được bà bồng bế?
Làm bà, cháu nào cũng là cháu, đứa nào cũng thương như nhau nhưng không thể công bằng tuyệt đối. Ngay cả bản thân tôi đây, làm mẹ ba đứa con nhưng tôi vẫn chăm đứa thứ hai nhất vì cháu hay ốm đau và yếu ớt hơn những đứa còn lại, nhưng như vậy không phải là tôi thương một đứa nhiều hơn hai đứa kia. Tâm lý một người mẹ, đứa nào vất vả hơn, thiếu thốn hơn thì sẽ quan tâm nhiều hơn một chút. Vợ chồng cô em chồng làm công nhân, làm đêm làm ngày, tăng ca tăng kíp. Cô ấy không có thời gian chăm sóc con đã đành, con gái của cô ấy cũng rất thiệt thòi khi phần lớn thời gian phải ở với bà ngoại cả ngày lẫn đêm. Bà bù bập cho cháu ngoại hơn một chút cũng lẽ thường.
Nói về tình, chị là chị dâu cũng nên coi em chồng là em mình, cháu chồng là cháu mình, không nên phân biệt con cô, con tôi như thế. Tâm lý của chị "con ai người nấy lo" không sai nhưng rất vô tình. Chúng là trẻ con không biết gì cả. Con chị có đồ chơi, sao không đưa sang nhà bà để hai chị em chơi chung? Chị mua quà bánh cho con mình, mua thêm cho con của cô một chút. Thỉnh thoảng cho cháu bộ quần áo, món đồ chơi cũng là việc nên làm. Chị làm vậy, không chỉ mẹ chồng, em chồng, mà chồng chị cũng sẽ rất vui. Bản thân hai đứa trẻ cũng thế.
Con chị, nói ba tuổi còn bé, thực chất là chúng đã biết nghe hiểu rồi. Mỗi lần cháu so bì tỵ nạnh giành đồ chơi với em, thay vì xót con, bực mình, ấm ức, chị nên giảng giải cho con hiểu làm như vậy không nên mới phải. Chị nên nói cho con biết, đó là em của con, chị em trong nhà phải biết chia sẻ, nhường nhịn. Thái độ bất bình hậm hực của chị sẽ càng làm cho con gái chị hiểu rằng nó thua thiệt hơn em, nó không được bà thương bằng em, dần dần sẽ nảy sinh tính hơn thua xấu xí.
Những gì chồng chị nói với chị, nghe ra có vẻ bênh mẹ, bênh em nhưng thật ra anh ấy nói không sai. Chính là chị đang ghen tỵ với cháu mình thay con chứ không phải con chị so bì ganh tỵ. Trẻ con nó chỉ hành xử theo bản năng chứ chưa hiểu chuyện. Còn chị thì lại đem sự ích kỉ của mình mà áp đặt mọi chuyện rồi giận dỗi nọ kia. Vả lại chuyện chồng chị bảo chị nên quan tâm một chút đến cháu, không chỉ đơn thuần là vật chất, nó còn là tình cảm. Thứ chị mất đi có thể là một chút tiền bạc, nhưng thứ chị nhận lại sẽ rất đáng giá, đó là tình cảm, là sự quý mến, sự tôn trọng của chồng và gia đình chồng.
Còn việc chị muốn cho con đi trẻ, tôi thấy việc đó cũng hay. Cháu lớn rồi, cho cháu đi lớp để có môi trường sống khác, tự lập và giao lưu nhiều hơn, cháu sẽ dạn dĩ và trưởng thành hơn. Chị có thể đề nghị vợ chồng cô em cho con đi trẻ cùng để hai đứa có thể bầu bạn, tiện đón đưa. Đó cũng là cách san bớt gánh nặng cho mẹ chồng, cho bà nghỉ ngơi một chút. Như vậy, vừa như ý bạn muốn mà lại khiến mẹ chồng cảm động, cả nhà đều thoải mái vui vẻ. Nếu bạn nói như vậy, tôi nghĩ không có lý do gì chồng bạn lại phản đối.
Là người cùng một nhà, đôi khi nên suy nghĩ và cư xử phóng khoáng một chút. Chị càng so bì tị nạnh, càng cố chấp kèn cựa thì bản thân chị là người khổ nhất vì tâm trạng luôn nặng nề khó chịu. Sự khó chịu của chị dần dần sẽ lây lan, làm ảnh hưởng đến hòa khí và các mối quan hệ trong gia đình. Cuối cùng, chẳng biết hơn thua được gì nhưng chị sẽ mất nhiều thứ, nhất là tình cảm và sự tôn trọng của chính chồng chị.
Phản hồi của độc giả Hà Trang
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn.
Trân trọng!