(Dân trí) - Chúng tôi đặt vé cho bố mẹ đi nghỉ mát, gọi về báo, câu đầu tiên bố bảo: “Để lát bố hỏi mẹ con đã”. Bố tôi bao lâu nay đều thế, phàm có việc gì to, nhỏ đều về báo vợ, như để bày tỏ tình yêu thương và sự tôn trọng. Bởi thế bố mẹ luôn là niềm tự hào nhất của anh em tôi.

Screen Shot 2019-03-13 at 2.54.07 PM.png

Bố mẹ đều đã bảy mươi, mà lúc nào cũng trẻ trung, dịu dàng gọi nhau “anh, em”, khiến lũ con cháu vui lây, pha lẫn ghen tị, bởi cả hội có chạy bở hơi tai, cũng chả theo được độ tình cảm, lãng mạn của “cặp đôi hoàn hảo”.

Có dạo mẹ tôi đi thăm con, chỉ vài ngày cũng khiến bố “ốm” người, lại lóc cóc bám theo mẹ “ăn vạ”. Cái ngày bố tôi đi họp lớp cũng phải năn nỉ, lôi mẹ đi cùng bằng được, nếu không thì ở nhà tất. Bố thường làm bộ đằng hắng, đọc bài thơ của Đặng Hấn: “Bạn bè rủ đi chơi xa. Còn em trông nhà, có ngại ngần chi. Nhưng rồi anh lại không đi. Vì anh chợt nghĩ em thì ai trông”. Thế là dù biết sẽ say xe ngất lên xỉu xuống, mẹ tôi vẫn quyết “bỏ nhà” theo bố lên tận mạn ngược để gặp gỡ bạn cũ.

Sự thực, chàng và nàng đã ế ẩm lại còn mải chơi, lang thang mãi ba chục tuổi đầu mới tìm được nhau, lúc ấy bạn bè trang lứa đã đề huề cả, thế mà cứ làm như báu lắm, suốt ngày bài ca: “Tao may mắn lắm mới lấy được ông ấy”.

Mỗi khi có đứa định trêu chọc, chê bai mẹ, là lập tức “chủ nhà” cười toe toét: “Úi, nhà tao hơi bị được đấy, vàng mười đấy”. Mẹ thì toàn khen bố là mì chính cánh, qua cái thời hiếm hoi mì chính, thì mẹ lại gọi bố là mật gấu, dạo này mẹ thường bảo bố quý như cao hổ cốt... Ối giời.

Mà kể ra bố tôi cũng quý hiếm thật, từ thời thanh niên ông đã chỉn chu như một cái đồng hồ báo thức. Cứ đúng năm giờ là dậy, bất kể trời đông, hè, lạnh, nóng. Nếu trời mưa bố thể dục ở trước sân, còn không bố chạy vài vòng quanh phố. Lúc về hưu, chiều bố đi đánh cầu lông hoặc bóng chuyền, sau đợt bị huyết áp cao bố không vận động mạnh nữa, mà chỉ tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, cùng mẹ giữ gìn sức khỏe. Con cái làm ăn ở xa, nên hai người biết thân biết phận, tự chăm lo cho nhau từng tí một.

“Đôi ta” dường như là hai mảnh bù khuyết cho nhau, mẹ khéo léo có tiếng, việc nữ công gia chánh cái nào cũng nỏ nom, nhưng lại chả biết gì về máy móc, trong khi tất cả những thiết bị, cơ khí, xe máy, ô tô bố "chấp" hết. Mỗi lần các con đi xe về, lại có người lẳng lặng chui vào hầm đồ nghề lôi ra đủ thứ, để cẩn thận vặn lại con ốc, kiểm tra lốp, phanh xe có ăn, mở cả sổ theo dõi kilômet để nhắc chúng thay dầu…

Thường ông bà cứ người tung kẻ đỡ, nhịp nhàng đều đặn như thể là một. Mẹ chẳng nói chẳng rằng, mà bố cứ làm răm rắp theo y chang được lập trình sẵn.

Cứ lúc mẹ nấu cơm, thì bố đi tắm, trước tiên bố sẽ kỳ cọ một vòng cái nhà tắm, rồi mới xả nước tắm rửa, rốt cuộc cả người lẫn nhà sạch bong, thơm nức lại tiết kiệm nước. Nấu ăn xong thì đến lượt mẹ, thay quần áo ra là bố cắp hết cho vào máy để giặt. Đến bữa mẹ xới cơm thì bố so đũa, sắp mâm, mẹ bưng mâm đi thì bố bê nồi, thu bàn. Mẹ trộn cơm thì bố mang cho tiểu hổ ăn, họ còn gọi con mèo ăn vụng như ranh ấy là miu cưng, “yêu lắm cơ”…

Những phút giây vui vẻ, nồng ấm thậm chí là sến sẩm của hai người đáng mến, đáng kính nhất ấy như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi, trên con đường vun đắp hạnh phúc nơi tổ ấm của riêng mình.

An Miên