Cô góa bụa từ khi mới ngoài bốn mươi, chú cũng mất vợ đã chục năm có lẻ. Họ trước là hàng xóm, sau là bạn, rồi tình già thương mến nhau. Con cái hai người khởi đầu biết chuyện thì kịch liệt phản đối. Họ không chấp nhận được việc bố, mẹ mình có cháu nội cháu ngoại rồi mà vẫn còn tái hôn. Nếu muốn lấy vợ lấy chồng sao không lấy luôn hồi còn trẻ mà đợi đến bây giờ đầu hai thứ tóc rồi còn "lắm chuyện"?
Chuyện ầm ĩ từ nhà ra ngõ, người bàn tán xì xào thì ít mà người cảm thông đồng cảm thì nhiều. Họ bảo con cái gì mà ích kỉ, cả tuổi thanh xuân bố mẹ dành để chăm sóc cho mình, giờ về già muốn có bầu bạn là điều nên vui cớ sao cấm cản.
Rồi bà ốm nặng phải nằm viện cả tháng trời. Con trai con gái bà, đứa ở gần đứa ở xa, gia đình công việc lu bù, thời gian dành để chăm sóc mẹ cũng phải khó khăn xoay xở. Những lúc đó, có ông cận kề bên cạnh. Ông túc trực bên giường bệnh, ông bón cho bà từng thìa cháo, ông dìu bà vào nhà vệ sinh… Những người nhìn thấy, ai cũng ngưỡng mộ xuýt xoa tình cảm của ông bà. Không ai không nghĩ ông bà là vợ chồng, mà vợ chồng nhiều người còn không được vậy.
Người ta nói, tấm chân tình thường làm cảm động cả trời đất, huống chi con cái ông bà đều đã lớn khôn, có ăn học, có hiểu biết. Cuối cùng thì họ cũng hiểu ra "con chăm cha không bằng bà chăm ông". Cuối cùng thì hai bên cũng đã ngồi lại, vui vẻ bàn chuyện tác hợp cho mẹ cha về chung một nhà.
Nhìn ông bảnh bao trong bồ đồ vest, nhìn cô thướt tha trong bộ áo dài nhung, tóc trên đầu cả hai đã điểm bạc bỗng thấy thương sao lạ lùng. Thời tiết đang mùa đông nhưng chắc chắn trong tim hai người họ mùa xuân đã tràn về. Những ngày lạnh kỉ lục dường như cũng bớt lạnh hơn trong không gian ấm cúng này. Một câu pha trò của chú rể, một nụ cười của cô dâu chớm tuổi lục tuần khiến đuôi mắt nhăn nheo sao mà đẹp xinh kì lạ.
Đông về, trời mây nhuốm màu âm u, mọi thứ cứ buồn buồn tê tái. Nhưng hình như đông về, con người trở nên nồng ấm với nhau hơn. Mẹ tôi bảo từ ngày trời trở rét, phiên chợ nào bố cũng giành đi, chỉ vì ông đi xe máy nhanh hơn là bà lọc cọc đi xe đạp. Bố mẹ tôi khắc khẩu, ngồi với nhau một lúc, chuyện trò dăm câu là ít khi không xảy ra tranh cãi. Nhưng con cái vắng nhà cả, nhà chỉ hai ông bà vào ra. Lúc ông ốm thì bà chăm nom, lúc bà ốm thì ông săn sóc. Bố tôi sợ nhất là mẹ ốm, vì ông sợ không ai chiều nổi tính ông.
Cô bạn tôi còn nói thích nhất là mùa đông, chỉ vì đơn giản mùa này chồng bạn tan tầm ít la cà bia bọt, bóng banh, ít khi rời nhà vào buổi tối. Những tối mùa đông nhà bạn vì thế mà ấm cúng hơn với bữa cơm đủ đầy, với tiếng nũng nịu bố của hai cô con gái hay mè nheo, với những ngọt ngào tiếng chồng tiếng vợ. Bạn nói hình như chỉ khi gió lạnh về gia đình bạn mới thực sự ấm, nghe qua tưởng cứ nghịch lý mà lại đúng. Phải ngày gió lạnh người ta mới xích lại gần nhau hơn.
Những ngày mùa đông rét mướt thế này khiến tôi nhớ nhà nhiều hơn. Mẹ tôi bảo, tối nào mẹ cũng sẽ đốt một bếp lửa giữa gian bếp cũ. Hai ông bà già ngồi đó, cho đến khi trời khuya, bếp lửa tàn mới lên giường đi ngủ. Tôi thèm khát những buổi tối như thế lắm, thèm được ngồi hơ tay bên bếp lửa nướng sắn nướng khoai như ngày nhỏ dại, mặc kệ ngoài trời tí tách mưa rơi, mặc kệ gió đông thổi rào rạt qua bụi tre trên mái nhà.
Mùa đông, trên những con phố thưa ngườivẫn có những chốn hẹn hò đông đúc. Là những quán ngô nướng ở vỉa hè đầu phố tấp nập. Họ ngồi đó, bên bếp than hồng, nói cười với nhau quên đi tất bật một ngày, tiếng cười như xua đi cả một đêm trời đông giá. Là những đôi uyên ương dập dìu trên phố với khăn len áo choàng sặc sỡ. Chỉ một cái nắm tay thật chặt cũng đủ để cảm thấy gió mưa chẳng hề gì.
Mùa đông, chiếc giường bỗng trở thành chốn ấm áp thân thương để cả nhà thức thật khuya chuyện trò rồi sáng mai chần chừ ngủ nướng. Mùa đông, những bữa cơm trở nên sốt dẻo bởi không phải đợi chờ. Mùa đông, ai đi đâu cũng mau chóng để trở về nhà, ai ở nhà thì không muốn rời chân đi đâu nữa.
Mùa đông, có những ngày lạnh như băng mà sao vẫn ấm. Mùa đông không lạnh không phải vì mùa đông có nắng mà vì mỗi người đã biết cách sưởi ấm lòng nhau.
Lê Giang