“Chưa bao giờ cần tiền như khi Tết đến!”
Tết Nguyên Đán cận kề cũng là thời điểm nhiều chị em phụ nữ cảm thấy áp lực kinh tế đè nặng. Là tay hòm chìa khóa trong gia đình, ắt hẳn chị em đều phải so đo, tính đếm để chi tiêu hợp lý với khoản tiền có trong tay. “Có tiền thì không sao chứ không có tiền thì chỉ mong Tết đừng đến”, chị Nhung, một nhân viên văn phòng ở Duy Tân chia sẻ.
Làm công ăn lương ở doanh nghiệp tư nhân, đến cuối năm, chị Ngân (32 tuổi, kế toán) thấp thỏm mong chờ khoản thưởng Tết. Giáp Tết, chị đã ngồi “đếm cua trong lỗ”, tính toán xem nếu có tiền thưởng Tết, chị sẽ mua quần áo, thực phẩm cho gia đình hết bao nhiêu tiền, biếu bên nội, bên ngoại quà gì, biếu tiền bao nhiêu.
Hình minh họa
Tuy nhiên, khi kế toán chi thưởng, chị chỉ nhận được một nửa số tiền như dự kiến nên nhiều khoản chi tiêu cũng bị cắt bỏ. “Lúc đầu mình tính mua thêm quần áo cho mình và cho chồng để diện Tết nhưng giờ bị cắt thưởng nên mình chỉ mua quần áo cho 2 đứa nhỏ. Các con mau lớn nên phải mua đồ mới chứ vợ chồng mình thì mặc đồ cũ cũng được. Quà biếu 2 bên nội ngoại thì chắc mình cũng chọn loại vừa tiền chứ không mua hàng Thái, hàng Nhật như dự định nữa”, chị Ngân thở dài.
Tết đến, chị Trang (mẹ bỉm sữa của 2 bé gái song sinh 14 tháng tuổi) lại có nỗi niềm khác. Chồng chị năm nay kinh doanh thua lỗ, tiền trong nhà chẳng còn bao nhiêu. Cầm số tiền ít ỏi tiền trong tay, chị chỉ biết mua quà cáp gọi là để biếu 2 bên nội ngoại. Chưa kể, 2 bé gái con chị lại bị viêm phổi đúng dịp giáp Tết. Một mình chăm 2 con nằm viện, chị Trang chẳng thiết tha gì chuyện Tết nhất.
Tất bật lo cơm nước từ sáng sớm đến tối mịt
Tết Nguyên Đán là chuỗi ngày nghỉ dài nhất trong năm nhưng chị Vân (quê Nghệ An) lại cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức hơn cả đi làm. Là dâu trưởng lại chung sống với bố mẹ chồng, chị Vân phải tất bật đi chợ, nấu nướng, chuẩn bị cỗ bàn, thờ cúng suốt từ 28 tháng Chạp đến tận mùng 5 Tết- khi mọi người rục rịch quay lại với công việc. “Nhà chồng tôi có 5 anh em. Tính tất cả con cháu cũng phải 4-5 năm cỗ. Năm nào mọi người cũng tụ tập ăn uống ở nhà tôi từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Tôi phải tất bật cơm nước, dọn dẹp từ 4 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm. Có khi dọn cỗ ra, ăn xong chưa kịp ngả lưng thì lại phải dậy “chiến đấu” với đống mâm bát”, chị Vân tâm sự.
Cùng cảnh như chị Vân, Thu Thảo (Nam Định) mới về làm dâu 2 năm nhưng cũng không tránh khỏi guồng quay bếp núc khi đón Tết ở nhà chồng. “Trước kia thời còn con gái, mình chỉ lo xem Tết đến thời tiết thế nào để diện váy áo cho phù hợp. Giờ lấy chồng rồi, suốt mấy ngày Tết, mình lo việc nấu nướng, dọn dẹp từ sáng sớm đến tối mịt. Nhà chồng mình đông khách, bố chồng mình lại cả nể nên ai đến cũng giữ lại ăn cơm, uống rượu”, Thảo chép miệng.
Đến nỗi lo… chàng quá chén
Tết đến cũng là dịp các đức lang quân được gặp gỡ và cùng trò chuyện, giao lưu bên ly bia, chén rượu. Và cũng có rất nhiều câu chuyện bi hài xảy đến từ mâm cơm rượu ngày Tết. Chị Yến (quê Hà Nam) chia sẻ: “Năm ngoái, chồng mình uống rượu nhà người bạn. Đến khi ra về, chắc do quá chén nên anh đâm phải một cậu thanh niên đi ngược chiều, làm người ta gãy tay. Chồng mình cũng bị xây xát nhẹ. Tết năm ngoái coi như nhà mình mất Tết vì cả nhà phải tất bật vào viện lo thăm nom, xin lỗi người ta".
Còn chị Tuyết (Nam Định) chắc cũng không quên được câu chuyện mùng 2 Tết năm ngoái chị phải đưa chồng đi bệnh viện vì anh bị ngộ độc rượu. “Năm nay anh hứa đi chúc Tết sẽ chỉ uống trà chứ không uống rượu. Nhưng chẳng biết khi được người ta mời mọc rồi kích bác, anh ấy có giữ được lời hứa hay không”, chị Tuyết nói.
Tết từ xưa đến nay vẫn là khoảng thời gian mà các chị em phụ nữ phải vất vả, tất bật với quá nhiều nỗi lo, những nỗi niềm ít ai có thể thấu hiểu. Hơn ai hết, họ cần nhiều hơn những sự quan tâm, sẻ chia từ các thành viên khác trong gia đình.
Theo Quỳnh Trang
Dân Việt