Người giàu nhất Ấn Độ rượt đuổi giá trị tài sản với Jack Ma - Ngôi sao

Chủ nhân ngôi nhà đắt nhất thế giới, Mukesh Ambani, vượt ông trùm Alibaba để thành người giàu số 1 châu Á cuối tuần trước. - Ngôi sao

Cách đây vài ngày, Bloomberg công bố Mukesh Ambani vượt Jack Ma 300 triệu USD để thành người giàu nhất châu Á với tài sản 44,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện ngôi vị đó đã được nhà sáng lập Alibaba giành lại bằng chênh lệch sát nút (400 triệu USD). Hai tỷ phú lần lượt đứng thứ 14 và 15 trong danh sách giàu nhất hành tinh.

Trong một phép so sánh do Bloomberg thực hiện, ông chủ Jeff Bezos của Amazon với gia tài lớn nhất thế giới có khả năng nuôi chính phủ Mỹ chưa đến một tuần. Tài sản cá nhân của Jack Ma giúp Trung Quốc điều hành đất nước trong khoảng 4 ngày. Trong khi đó, Ambani có thể làm việc này với Ấn Độ 20 ngày.

Tài sản của ông Ambani chủ yếu đến từ tập đoàn Reliance Industries, lớn thứ hai Ấn Độ với mức vốn hóa 100 tỷ USD và nằm trong danh sách 500 công ty đứng đầu toàn cầu của Fortune. Tập đoàn này đóng góp gần như 5% tổng thu nhập thuế của quốc gia Nam Á.

Vị tài phiệt còn nổi tiếng là chủ nhân ngôi nhà đắt nhất thế giới: dinh thự Antilia 27 tầng nằm ở kinh đô tài chính Mumbai, trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Tỷ phú Mukesh Ambani là chủ nhân khu lọc dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: The National.

Tỷ phú Mukesh Ambani là chủ nhân khu lọc dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: The National.

Cha tỷ phú Ấn Độ, Dhirubhai Ambani, là một nhân viên bán hàng trước khi rẽ sang kinh doanh riêng gia vị và sợi. Doanh nhân này sau đó thành lập Reliance Industries năm 1966 chuyên sản xuất vải và dệt may.

Chào đời năm 1957, Mukesh Ambani sinh trưởng trong thời kỳ 10 năm sau ngày Ấn Độ độc lập khỏi thực dân Anh và được đào tạo để trở thành kỹ sư hóa. Ông sớm gia nhập hội đồng quản trị Reliance khi 20 tuổi cùng em trai Anil.

Chàng thanh niên lên đường sang Mỹ những năm 1980 để học MBA tại ĐH Stanford, nhưng rồi bỏ dở khi cha gọi về nước giúp sức gây dựng Reliance. Khi đó, công ty là doanh nghiệp dệt may nhỏ nhưng nhanh lớn mạnh.

Miệt mài cống hiến cho di sản của cha, Ambani đưa ra và thực hiện những tầm nhìn quan trọng, từng bước mở rộng mô hình kinh doanh ra hóa dầu, bán lẻ và viễn thông. Dọc quá trình gây dựng tập đoàn, ông dẫn dắt việc kiến tạo 51 nhà máy tầm cỡ thế giới, sử dụng đa đạng công nghệ làm tăng sản lượng của Reliance gấp nhiều lần.

Doanh nhân làm nên tiếng tăm để đời bằng hàng loạt dự án quy mô khổng lồ và đóng vai trò tiên phong đưa công ty của cha thâm nhập lĩnh vực lọc và hóa dầu những năm 1990, rồi đến viễn thông và bán lẻ đầu thập niên 2000. Ông là nhân vật chính dựng nên tổ hợp lọc dầu lớn nhất thế giới nằm tại Jamnagar, bờ Tây Ấn Độ, và sở hữu hãng bán lẻ lớn nhất Ấn Độ.

Vợ chồng người giàu nhất Ấn Độ. Ảnh: Mid-day.

Vợ chồng người giàu nhất Ấn Độ. Ảnh: Mid-day.

Năm 2002, người cha Dhirubhai Ambani mất mà không để lại di chúc nào. Giữa Mukesh và em trai kém 2 tuổi xảy ra tranh chấp kéo dài hơn một thập kỷ. Sau cuộc dàn xếp do mẹ chủ trì, hai anh em họ phân chia cơ nghiệp gia đình. Mukesh kiểm soát nhánh lọc, hóa dầu, dầu mỏ/khí đốt và dệt may. Anil nhận mảng xây dựng, viễn thông, quản trị tài sản, giải trí và điện lực. Tiền đồ của mỗi người đi theo một hướng khác nhau.

Việc kinh doanh của người em lao dốc khi công ty điện lực qua năm tháng nợ nần chồng chất còn mô hình viễn thông cũng tơi tả do sức ép cạnh tranh quá khốc liệt. Cuối cùng, Mukesh Ambani ra tay cứu giúp em năm nay bằng cách mua lại hầu như toàn bộ tài sản của hãng viễn thông Reliance Communications.

Tỷ phú 61 tuổi là một biểu tượng ở quê hương về tầm nhìn kinh doanh. Qua nhiều năm, ông không chỉ bồi đắp nên sản nghiệp kếch xù cho gia đình mà còn tạo ra thu nhập cho hàng nghìn cổ đông và nhân viên. Mukesh Ambani giờ gần như là cái tên huyền thoại trong cộng đồng doanh nhân Ấn Độ.

Hiện nay, nhà tài phiệt giữ vị trí chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Reliance Industries, cùng gia đình sở hữu 43% cổ phần. Ngoài ra, ông nắm trong tay một số mối đầu tư cá nhân, chẳng hạn vào buôn bán đường ống khí đốt.

Năm qua, vị tỷ phú bỏ túi thêm tới 4 tỷ USD, chủ yếu nhờ nhân đôi quy mô sản xuất của các công ty hóa dầu, trong khi tài sản của Jack Ma tụt 1,4 tỷ USD.

Ngôi nhà đắt nhất thế giới trị giá 1 tỷ USD nằm ở Mumbai. Ảnh: AFP.

Ngôi nhà đắt nhất thế giới trị giá 1 tỷ USD nằm ở Mumbai. Ảnh: AFP.

Ông Ambani được mô tả là người thích thú với công nghệ khi thường xuyên sắm sửa những sản phẩm cập nhật xu hướng. Nhà tài phiệt mê xem phim Bollywood, theo dõi 3 cuốn mỗi tuần và là chủ nhân một đội bóng cricket Ấn Độ.

Tuy nhiên, điều được nhắc đến nhiều hơn là lối sống xa hoa khó ai sánh bằng của doanh nhân này. Ở quốc gia đói nghèo còn phổ biến như Ấn Độ, tỷ phú Ambani gây tranh cãi với việc xây cất tòa tháp trị giá 1 tỷ USD để ở cùng vợ và ba con.

Ngôi nhà 27 tầng giữa lòng Mumbai này gồm rạp chiếu phim 50 chỗ ngồi, bãi đỗ xe có sức chứa 160 ô tô, câu lạc bộ sức khỏe, một loạt phòng giải khát và 3 điểm hạ cánh cho trực thăng trên mái. Việc vận hành tòa nhà cần tới nhân lực 600 người.

Thậm chí, hải quân và Bộ Môi trường Ấn Độ từng phản đối dinh thự này của gia đình tài phiệt bởi vấn đề tiếng ồn xây dựng cũng như chuyện đậu trực thăng gần khu vực quân sự nhạy cảm.

Ngoài ra, những món quà ông Ambani tặng sinh nhật vợ cũng luôn là tâm điểm chú ý trong nước, từ phi cơ riêng đầy đủ tiện nghi tối tân 62 triệu USD đến siêu xe Maybach đầu tiên mà một người Ấn Độ sở hữu.

Quốc Việt

Theo Bloomberg