(Dân trí) - Đã bao giờ trong những phút yếu lòng bạn khát khao được trở về mái nhà xưa? Mái nhà rêu phong, nhuộm lên màu xưa cũ. Mái nhà hằng lưu giữ, chôn sâu bao kỷ niệm buồn vui của một thời thơ ấu. Và ở đó con người ta được sinh ra, lớn lên và trưởng thành!

1. Một lần có dịp về thăm người chị bên chồng ở vùng miền tây xứ Nghệ, tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự giàu có và trù phú của cuộc sống con người nơi đây. Và vợ chồng anh chị cũng không phải là ngoại lệ. Đất ở không thành vấn đề với họ, nhưng vì là con cả trong gia đình nên anh chị được giao cho ngôi nhà của ông cha để lại làm nơi sinh sống. Dần già cuộc sống mới nhiều nhu cầu phát sinh, họ bắt đầu nghĩ đến việc cần cất lại mái nhà.

Khi ngôi nhà ba tầng hoành tráng được dựng lên, mái nhà xưa lập tức trở thành nơi nhốt giữ gia súc, gia cầm. Dù không thuộc về nơi ấy nhưng đứng trước cảnh hoang phế và lụi tàn của một ngôi nhà, tôi không khỏi chạnh lòng. Giá như nó được tận dụng làm kho đựng đồ, hay được sửa làm bếp đun, hoặc cùng lắm là dỡ bỏ thì có lẽ cảm giác buồn kia sẽ vơi đi phần nào. Vì dù gì nếp nhà xưa là nơi chôn sâu bao kỷ niệm mà đâu đó trong cuộc đời khiến người ta nhớ đớn nhớ đau.

nep nha.jpeg

 

2. Thầy tôi năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Sống trong sự sung túc của tuổi già vẫn đau đáu nhớ về một mái ấm cố cư. Nơi ấy nếp nhà đơn sơ mộc mạc, có chái bếp mẹ hằng nhen lửa sớm chiều, có mảnh sân đủ rộng để con trẻ bày đủ trò tinh nghịch, có mảnh vườn bốn mùa cây trái, có cầu ao soi bóng chị bóng em... Thầy bảo tôi, chỉ vậy thôi cũng đủ nhưng nhức cả phần đời còn lại!

May sao anh bạn làm họa sỹ của tôi (cũng là học trò cũ của thầy) nghe được những lời tâm sự ấy mà rung cảm. Vào một ngày đẹp trời, chẳng ngại đường xá xa xôi, cách trở anh đã tìm về bên thầy, nghe thầy kể chuyện mái nhà xưa. Từ cái thuở nó hãy còn là mái nhà tranh vách nứa, ngày mưa nghe nước dột long tong, ngày nắng đếm được cả sao trời. Có lần nhà bị cháy vì tụi con nít bất cẩn, phải hô cả làng tới ứng cứu. Người vác xô, người vác chậu quăng quật với lửa, vậy mà nước xa không cứu được lửa gần, nhà bị thiêu rụi chỉ còn là đống tro tàn. Nhưng rồi cả nhà thầy được xóm làng bao bọc, người góp công người góp của dựng lại mái nhà. Vẫn chỉ là nhà tranh vách nứa nhưng ấm áp nghĩa tình.

Sau này kinh tế khấm khá hơn các cụ tích cóp xây được căn nhà mái ngói đỏ au, tường vôi trắng xóa, lối dẫn vào nhà là hàng cau mướt mát, non tơ... Rồi một ngày nọ, người xưa theo nhau về cát bụi, con cháu kẻ bắc, người nam chật vật với cuộc sinh tồn. Một ngày họ về bên nhau tề tựu, bàn chuyện bán đi ngôi nhà vì lý do không người coi sóc. Ông giáo khuyên can nhưng rồi bước chân ra đi trong bất lực, không dám ngoảnh nhìn nếp nhà xưa dù chỉ một lần.

Và anh - người họa sĩ bắt đầu đưa những nhát cọ, lần theo dòng hồi tưởng của thầy, mái ấm xưa dần hiện ra lung linh như một phép màu. Không thể tả thầy tôi đã vui đến cỡ nào. Ánh mắt mờ đục như sáng hơn, những vệt chân chim hai bên khóe mắt như giãn ra, nụ cười hóm hỉnh và rạng ngời. Thầy đã “xin được một vé đi tuổi thơ”.

Dĩ nhiên, thầy tôi dành ra một chỗ đẹp nhất của ngôi nhà sang trọng chưng bức tranh ấy lên. Những lúc rảnh rỗi thầy lại ngồi trầm ngâm thưởng trà và ngắm tranh. Cũng kể từ đó mùa xuân trở lại trong tâm hồn ông giáo già đành lòng cất bước tha hương buổi xế chiều...

Tôi thầm nhủ, nhà đâu cần phải quá to, quá đồ sộ và hoành tráng. Chỉ cần mỗi con người trong căn nhà ấy sống với nhau bằng trái tim yêu thương và san sẻ, vậy đã là đủ đầy! Để một mai nhỡ yêu thương gõ cửa quay về ta còn nơi chở che, nương náu!

Nguyễn Hòe