Theo chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh, cái dở nhất của chị em phụ nữ khi bước vào hôn nhân đó là họ ảo tưởng sức mạnh bản thân. Họ luôn mang cái hình ảnh của cái thời đang yêu, thời được chăm sóc, được nâng niu chiều chuộng ra, bê tất cả những điều “như là mơ” của ngày yêu nhau đó vào hôn nhân.
Hậu quả là họ thấy hôn nhân thật tệ, hôn nhân đã giết chết tình yêu. Thấy rằng, chồng mình đã lừa mình, chồng mình đã thay đổi, chồng mình thật tệ bạc. Và thế là họ vỡ mộng, đau khổ. Và thế rồi dẫn đến phàn nàn, chê trách, cãi vã. Mâu thuẫn cứ tiếp nối mâu thuẫn đến mức khiến cho hai người trở nên mệt mỏi, rã rời. Bao nhiêu bi kịch xuất phát chính sự ảo tưởng, không nhìn rõ khuôn mặt thật của hôn nhân như vậy.
Chính vì ảo tưởng, chính vì không nhận biết rõ bản chất của hôn nhân nên phụ nữ không chịu làm cái việc thay đổi bản thân để phù hợp với đời sống hôn nhân. Bởi yêu là là một thời kỳ khác. Và hôn nhân là một thời kỳ hoàn toàn khác.
Thế nên khi bước vào hôn nhân, việc cần nhất của mỗi người là cần phải thay đổi bản thân để phù hợp với một thời kỳ mới. Thời kỳ đó buộc người phụ nữ cần phải tiến xa hơn nữa, nâng cấp giá trị hơn nữa. Phụ nữ có được hạnh phúc trong hôn nhân hay không là ở chỗ “nâng cấp” này.
Cái dở thứ 2 là hầu hết chị em phụ nữ không biết trọng thân. Đây là một vấn đề lớn trong các vấn đề cần được để ý ở chị em phụ nữ khi bước vào hôn nhân.
Không trọng thân nó có hàm nghĩa giống như không yêu bản thân nhưng sâu sắc và cụ thể hơn. Một ví dụ về việc không trọng thân đó là chị em không trọng lời nói của mình.
Ví dụ một người trọng thân thì lời nói ra thì phải chuẩn chỉnh từng câu từng từ. Một người vợ biết trọng thân thì khi nói với chồng, họ sẽ rất cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ ánh mắt dành cho chồng.
Chính vì cẩn thận từng lời ăn tiếng nói nên khi thấy chồng nóng lên là họ sẽ chặn mồm miệng mình lại. Thế nhưng một người vợ không biết trọng thân khi thấy chồng nóng thì ngay lập tức nói: “Tôi thách anh đấy” hoặc là “anh có giỏi thì đánh đi”...
Hậu quả của lời nói thiếu suy nghĩ như vậy thường là kết thúc bằng nắm đấm, bằng chân tay thay cho mồm miệng từ đối phương. Kích động bạo lực nơi chồng và mình là người phải gánh lấy hậu quả đó đầu tiên. Không trọng thân là ở chỗ đó.
Còn một yếu tố nữa là liên quan đến việc chị em phụ nữ không biết trọng thân là họ không chịu thay đổi bản thân, tư duy không tích cực. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc giao tiếp vợ chồng.
Trong hôn nhân thì giao tiếp rất quan trọng, nó là một cách truyền động lực trong hôn nhân. Chồng là người mà mình giao tiếp nhiều nhất và cũng chính là người mình khao khát được nói chuyện nhất. Thế nhưng vì không chịu thay đổi bản thân, không suy nghĩ theo chiều hướng tích cực nên chị em thường không vượt qua sự tự ái để chủ động giao tiếp với chồng.
"Thế nên mới có chuyện ngược đời đối với các bà vợ đó là, họ có thể ngọt ngào với bất cứ ai nhưng với chồng thì không thể ngọt ngào được. Người mà họ muốn nói chuyện nhất là chồng nhưng chính chồng lại là người mà họ khó “bắt chuyện”, khó “mở lời” nhất. Không giao tiếp được với chồng thì chị em phụ nữ sẽ thiệt đơn, thiệt kép. Vợ chồng mà không giao tiếp được với nhau, theo tôi đó là một mối quan hệ bất hạnh, là sự thất bại trong hôn nhân của cả hai người”, chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh nói.
Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội