Anh ra đi sau 1 tai nạn giao thông khi con trai vừa lên 5 tuổi. Chị ở vậy nuôi dạy con nên người. Ngày thằng bé đỗ đại học Bách khoa, không chỉ chị và hai bên nội ngoại vui mừng mà cả thôn, cả xã kéo nhau đến chia vui, chúc mừng chị. Đối với họ, đây chính là nhân quả tốt đẹp mà ông trời không phụ những nỗ lực, cố gắng của chị.
Hai mẹ con được vay ngay một khoản tiền đủ để trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi thủ đô. Thằng bé thủ thỉ với mẹ: “Mẹ cứ yên tâm ở nhà lao động, giữ gìn sức khoẻ, không phải làm quá sức để trả nợ cho con. Con học rất nhanh thôi, sau 5 năm đi học con sẽ làm thêm dư tiền trả món nợ đó”. Chị vội vàng bảo “Con mới chính là người không cần nghĩ ngợi gì, mọi chuyện giờ mẹ vẫn lo ổn, con cứ yên tâm học hành để thành tài”. Cậu bé ôm chặt lấy mẹ nói những lời có thể khiến trái tim mọi bà mẹ tan chảy.
Năm thứ nhất, thằng bé đã có việc làm. Cứ sáng đi học, chiều về học bài, tối đi làm gia sư. Cuối tuần nào nó cũng gọi điện về nói chuyện với mẹ cả tiếng, kể chi tiết mọi chuyện. Nhưng sang năm thứ hai, các cuộc điện thoại ngắn dần và thưa dần. Chị nghĩ con bận học, bận làm, nhất là thằng bé đã lớn hơn. Chị hỏi xem con đã có bạn gái chưa? Chị hỏi xem liệu chương trình học nhiều quá có cần nghỉ làm thêm không? Thằng bé chỉ bảo mẹ yên tâm. Nhưng đến giữa năm học thứ ba, một lần thằng bé về nhà và cứ dùng dằng mãi không trở lại trường. Lúc nó bảo đang đi thực tập, lúc lại bảo được nghỉ giữa kỳ… Biết chắc con đang có chuyện, chị chỉ bảo con “Mẹ ở xa con, lại không có nhiều hiểu biết, sẽ không tư vấn giúp con được nhiều. Nhưng mẹ luôn ở bên con, dù có bất kể chuyện gì xảy ra”. Thằng bé khóc nức nở bảo “Con đã bị trò chơi điện tử cám dỗ. Con đã đi quá xa không trở lại được nữa. Con nợ quá nhiều môn và con nợ quá nhiều tiền. Giờ con bị đuổi học và luôn sợ hãi nhỡ có ai về quê làm hại mẹ”. Chị ôm con vào lòng bảo “Con còn nghĩ đến sự an toàn của mẹ thì con sẽ vượt qua thử thách này”. Rồi chị dồn tiền trả nợ cho con.
Nhưng chơi là một thói quen khó bỏ. Có thêm cá cược thì càng khó bỏ hơn. Thằng bé vẫn lén chơi, vẫn lén nợ. Chị quyết định nhờ anh con nhà bác tìm một nhóm đầu gấu đến nhà đòi nợ. Cái cách xử giang hồ hung hăng, quăng ném đồ đạc, những người xăm trổ đầy mình, các yêu cầu lạnh lùng và nhất là bọn chúng chả nể nang trói bà mẹ vào cột nhà thực sự làm thằng bé rúng động. Nó sẵn sàng quỳ xuống cầu xin cho mẹ được an toàn và thề sẽ làm mọi việc để quyết tâm trả nợ trong vòng 1 năm.
Quả thực là thằng bé đã làm được. Với sự thông minh và cần cù, thằng bé làm thêm cho 2 cửa hàng đồ điện và điện tử to nhất thị xã. Thu nhập đều đặn, thường xuyên, lại ăn cơm nhà mẹ nấu nên nó đã tiết kiệm và trả nợ được nhanh chóng. Nhưng dường như điều đó lại khiến thằng bé sinh ra tự tin thái quá. Nó nghĩ giờ hết nợ rồi, làm 1 năm có thể sống được 2-3 năm. Thế là “ngựa quen đường cũ”. Chị nghĩ mãi mới tìm ra cách nhờ công an đến điều tra đường dây cá độ. Đến lúc này thằng bé mới thực sự tỉnh. Nó tin rằng, những việc làm sai sẽ bị phát hiện và bị xử lý nghiêm minh.
Từ lúc còn bố thằng bé, chị đã không khuyến khích đánh mắng, gò ép con. Đến lúc anh chẳng may mất sớm, mọi người đều bảo chị phải cứng rắn kẻo làm hỏng con nhưng chị vẫn chỉ một mực nhẹ nhàng dạy dỗ con. Chị tin, con chị vẫn ý thức về mọi việc, chỉ là chưa dũng cảm vượt qua cám dỗ thôi. Giờ con đã có người yêu, đã mở được một cửa hàng điện nho nhỏ, với chị thế vẫn là hạnh phúc trọn vẹn.
Theo Cao Lâm
Phụ Nữ Việt Nam