Em và Thuận yêu nhau khi tìm hiểu nhau được nửa năm, yêu được nửa năm thì làm đám cưới. Chúng em từng học Đại học cùng nhau, dù cách nhau 2 khóa nên cũng không xa lạ mấy. Bạn bè thân thiết đều nhận xét Thuận là người hiền lành, lịch sự, luôn tốt bụng với người khác. Khi đi chơi với em, anh ấy cũng luôn giúp đỡ mọi người, xởi lởi với người già, thân thiện với trẻ nhỏ.
Ở cơ quan, Thuận cũng là một đồng nghiệp thẳng thắn, tốt bụng được bạn bè yêu mến. Thuận làm kế toán giỏi, lương được gần 20 triệu một tháng, anh ấy cũng có xe ô tô. Quê em ở xa, may mắn xin được việc là giám viên mầm non ở Hà Nội nên mới quen Thuận. Ai cũng bảo em may mắn khi kiếm được trai Hà Nội hiền lành, tốt bụng, kinh tế ổn định.
Nhưng ngay đêm tân hôn, khi em vừa tẩy trang ướt lướt thướt từ nhà tắm ra, Thuận đã yêu cầu em ngồi ngay ngắn và đưa ra một quyển vở, ghi rõ những "yêu cầu làm vợ". Thuận bắt em phải tuân thủ các điều: không can thiệp vào công việc của chồng, không mè nheo, thắc mắc khi chồng về muộn, không được hỗn với bố mẹ chồng, phải chu đáo nội trợ, không cãi chồng, không được mặc áo cổ trễ, váy ngắn, tuyệt đối không được đong đưa với đàn ông…
Em kinh ngạc không thốt lên được lời nào. Em không thể nhận ra người con trai hào hoa, lịch thiệp, nhẹ nhàng khi đến tán tỉnh em cách đây vài tháng. Sau khi "sốc văn hóa", em đã nhẹ nhàng nói với chồng rằng vợ chồng đã sống với nhau, phải tin tưởng, chia sẻ với nhau, tại sao lại đề ra yêu cầu nọ, nguyên tắc kia.
Chưa dứt câu, năm ngón tay của Thuận đã hằn lên má em. Rồi mặc em chết sững, Thuận bỏ ra ngoài rồi bảo: “Em cứ nghỉ, anh ra ngoài lấy đá vào cho mà chườm không ngày mai lại sưng tướng lên, người ta lại trách anh".
Đêm hôm đó, Thuận vẫn đè em ra để thực hiện "quyền lợi người chồng". Còn em, với gương mặt sưng vù, đôi mắt húp híp vì khóc, phải cắn răng mặc kệ chồng em muốn làm gì thì làm. Sáng hôm sau, Thuận ra ngoài ôm về một bó hồng to tướng, nói ồn ào với hàng xóm: “Vừa cưới vợ đã phải nịnh rồi đấy”. Em phải đóng vai người vợ hiền được chồng yêu chiều, cười tươi rói nhận hoa từ đôi bàn tay tát mình tối hôm trước.
Cứ như vậy, nếu em nghe lời, dễ bảo thì mọi chuyện êm xuôi. Còn cãi lại, không nghe lời thì dè chừng, những cú đấm cũng không hề xót thương tấm thân non trẻ. Thuận thường đánh em ở chỗ kín đáo, mặc quần áo là che kín. Sau mỗi trận đánh, Thuận lại hối lỗi bằng những bó hồng nhung đỏ thắm, bày tỏ tình yêu tha thiết dành cho vợ.
Em từng nghe anh ta điện thoại cho bạn thân sắp lấy vợ và bảo: “Vợ phải rắn ngay từ đầu, không thể vì vợ mà thay đổi các thói quen, thậm chí mất họ hàng, bạn bè vì vợ nếu như mình không “tỏ thái độ” cứng rắn ngay từ đầu. Vợ chỉ để sinh con và nội trợ thôi”.
Em định ly hôn thì lại phát hiện có bầu. Giờ con em cũng còn nhỏ nên em chẳng dám phản kháng gì. Hơn nữa, nếu em mà phản kháng, em sợ sẽ mất con. Nhà em ở xa, quê nghèo, bố đã mất, chỉ còn mẹ già nên em càng không dám phản kháng, chỉ sợ mẹ biết sẽ đau lòng.
Em thật sự bế tắc quá.
Theo Nguyễn Thị Hòa
Dân Việt